Góp ý dự thảo Luật Tố tụng hành chính (hội thảo do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức mới đây), nhiều chuyên gia cho rằng dự luật vẫn còn nhiều quy định chưa ổn, cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện hơn. Trong đó, nổi cộm là chế định thừa phát lại đang được thí điểm ở TP.HCM chưa được quy định trong dự luật.
Thời hiệu khởi kiện rắc rối
Theo dự thảo, hiện nay thời hiệu khởi kiện có bốn mốc là một năm, sáu tháng, 30 ngày và năm ngày tùy theo loại vụ việc. Nếu quá hạn thì xem như đương sự không còn quyền khởi kiện.
Ông Nguyễn Thiện Thành, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nói: “Việc quy định thời hiệu như trên chưa ổn, rất khó áp dụng. Không phải người dân nào cũng rành luật, người dân nào cũng am hiểu luật pháp. Quy định chỉ một mốc thời hiệu khởi kiện chung, duy nhất nhiều người còn không nhớ, huống gì chia ra bốn trường hợp”.
Đồng tình, thẩm phán Nguyễn Hồng Thanh, Phó Chánh án TAND quận 7 (TP.HCM), phân tích hiện trình độ hiểu biết pháp luật của người dân chưa đồng đều, không phải ai cũng biết thời hiệu khởi kiện là gì và khi nào thì mất quyền khởi kiện. Nhiều đương sự cũng vì không biết mà tự từ bỏ quyền khởi kiện của mình.
“Tốt nhất khi cơ quan hành chính ban hành quyết định cần xác định rõ thời hiệu khởi kiện hành chính ngay trong quyết định của mình để người dân biết mà thực hiện” – thẩm phán Thanh kiến nghị.
Nên bỏ việc đối thoại
Dự thảo cũng quy định trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, tòa phải tạo điều kiện cho các bên đối thoại về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, bà Trần Thị Như Phương, Trưởng Ban Chính sách-Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, góp ý: “Các vụ án hành chính thường kéo dài mà quy định tòa tạo điều kiện cho các bên đối thoại chắc chắn sẽ tạo cho tòa thêm áp lực trong quá trình giải quyết án. Nếu có thể, điều luật nên thay cụm tự đối thoại bằng những từ cụ thể hơn như thương lượng hoặc thỏa thuận…”.
Ông Trương Văn Ba, Phó phòng Pháp chế, Cục Thuế TP.HCM, lại chỉ ra trường hợp cụ thể hơn. Hiện nay, khi thụ lý giải quyết các đơn kiện về thuế, các tòa hay buộc cơ quan thuế ngồi chung với bên kia để tính lại số thuế. Ông Ba cho rằng việc áp dụng các quy định và tính số thuế cá nhân, tổ chức phải đóng là việc của cơ quan thuế, sao lại phải ngồi tính với đương sự? Giữa cơ quan thuế với bên bị tính thuế không thống nhất mới phải dắt nhau ra tòa. Nếu buộc hai bên phải ngồi tính lại với nhau thì cần gì tới tòa án nữa. Do vậy, ông Ba kiến nghị nên bỏ hẳn quy định về việc đối thoại vì không cần thiết.
Thiếu quy định về thừa phát lại?
Ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM, chỉ ra một vấn đề mà dự thảo lần này chưa đề cập đến là chế định thừa phát lại. Hiện nay chế định thừa phát lại đang được áp dụng thí điểm tại TP.HCM với các công việc cụ thể như tống đạt, lập vi bằng… Nếu như khả thi sẽ triển khai rộng rãi trên cả nước.
Nhưng dự luật lại không đưa chế định này vào sẽ khiến cho hoạt động thừa phát lại cũng như việc áp dụng Luật Tố tụng hành chính trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, ông Bảy cũng băn khoăn: “Nếu bây giờ đưa vào dự luật thì cũng không ổn. Bởi hiện nay mới chỉ là triển khai thí điểm. Còn chờ đến năm 2012 (theo kế hoạch thừa phát lại triển khai chính thức trên cả nước) mới ban hành luật thì cũng lại… không ổn. Các nhà làm luật cần cân nhắc khi ban hành quy định về vấn đề này”.
Quy định rõ việc xử kín
Dự thảo luật có quy định về việc vụ án hành chính phải được xử công khai trừ trường hợp phải xử kín để giữ bí mật của nhà nước hoặc theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Tuy nhiên, dự thảo luật cần phải bổ sung làm rõ thế nào là bí mật theo yêu cầu chính đáng của đương sự, bí mật kinh doanh, bí mật nghề nghiệp hay bí mật đời tư. Nếu không quy định về việc này, ra tòa đương sự cứ một mực bảo tòa phải xử kín vì cần phải giữ bí mật thì tòa cũng mệt.
Bà HUỲNH THỊ KIM QUYỀN,
đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM
Cân nhắc tập quán là nguồn chứng cứ
Vụ án hành chính khác với các loại vụ án khác bởi đối tượng của nó là các quyết định, hành vi hành chính… Do vậy, khoản 7 Điều 74 của dự thảo quy định tập quán là nguồn chứng cứ của vụ án là không ổn. Nếu áp tập quán là nguồn của chứng cứ thì dễ dẫn tới việc áp dụng tập quán một cách tùy tiện, mỗi tòa hiểu và áp dụng tập quán khác nhau. Theo chúng tôi, các nhà làm luật cần cân nhắc lại quy định này.
Ông NGUYỄN KIẾN QUỐC, Phó Chánh thanh tra TP.HCM
Phải nêu cụ thể việc sửa chữa án
Việc ra thông báo sửa chữa, bổ sung bản án hiện nay đang rất tùy tiện. Đã có nhiều vụ bị phát hiện và VKS kháng nghị hủy hoặc sửa án. Tuy nhiên, việc kiểm sát cũng chưa thể làm triệt để vì còn nhiều bản án bị sửa chữa, bổ sung trái luật nhưng VKS chưa phát hiện được. Do vậy, dự thảo luật cần quy định cụ thể về việc sửa chữa, bổ sung bản án. Chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án chưa có hiệu lực pháp luật và phải tuân thủ những điều kiện luật định. Còn nếu bản án đã có hiệu lực pháp luật thì nhất quyết không được sửa chữa, bổ sung gì hết.
Ông VÕ QUANG HUY, VKSND TP.HCM
Sao lại thiếu việc ký quỹ ?
Quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo như dự luật là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có quy định về việc ký quỹ khi đương sự yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Có như vậy mới có thể buộc được trách nhiệm của bên đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu họ đề nghị áp dụng sai thì tòa dùng tài sản ký quỹ để bồi thường cho bên bị thiệt hại.
Bà NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY, Hội Luật gia TP.HCM