Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, người trực tiếp chỉ đạo đề án thí điểm thừa phát lại tại TP.HCM, cho biết: “Khi triển khai đề án, có ý kiến cho rằng không nên giao cho thừa phát lại trực tiếp tổ chức thi hành án. Nhưng không lẽ thấy khó rồi không làm? Trong giai đoạn thí điểm này nên giao cho họ thực hiện để thấy kết quả như thế nào. Dĩ nhiên là gánh nặng thi hành án vẫn chủ yếu do chấp hành viên mang, thừa phát lại chỉ là người tham gia khi người dân yêu cầu”.
Phát huy tính chủ động, linh hoạt
Ông Chính nói rằng Bộ Tư pháp, Thành ủy, UBND TP.HCM sẽ tạo nhiều điều kiện để thừa phát lại thực hiện tốt những chức năng của mình, phần còn lại phụ thuộc vào năng lực của các thừa phát lại. “Họ là tư nhân, không nắm quyền lực công thì họ có những thế mạnh khác. Việc họ là người ngoài nhà nước cũng là một ưu thế vì họ có tính chủ động, linh hoạt cao. Ngoài ra, thừa phát lại phải giỏi thuyết phục. Giải thích luật lệ cho các bên hiểu và tuân theo mới là thượng sách, nếu cưỡng chế thi hành án là hạ sách rồi. Đương nhiên không thể tránh khỏi những trường hợp phải cưỡng chế và quy định hiện hành cũng trao cho thừa phát lại thẩm quyền này, trừ trường hợp cần huy động lực lượng bảo vệ thì phải có phê duyệt của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự TP”.
Với mô hình mới mẻ này, liệu người dân có dám tin tưởng lựa chọn? Ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp – Sở Tư pháp TP.HCM, nói: “Tôi tin rằng người dân sẽ dần dần quen với nghề thừa phát lại, cũng như đã quen với các văn phòng công chứng. Khi năng lực của đội ngũ thừa phát lại được chứng minh, họ sẽ xây dựng được lòng tin ở người dân”.
Được biết, ở một số nước như Pháp chẳng hạn, việc thi hành án dân sự được coi là việc tư, chỉ liên quan đến các đương sự với nhau và được thực hiện thông qua thừa phát lại.
Các cơ quan đã sẵn sàng hợp tác
Không khoác lên người chiếc áo công quyền nhưng thừa phát lại có chức năng gần giống như một chấp hành viên. Trưởng Thi hành án dân sự TP.HCM Nguyễn Văn Lực cam kết: “Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thừa phát lại hoạt động, sẽ hỗ trợ họ về mặt nghiệp vụ khi có yêu cầu”.
Nhưng người dân vẫn có nhiều nỗi lo: “Tôi bỏ tiền ra để nhờ thừa phát lại lập vi bằng, liệu vi bằng đó có được tòa án chấp nhận?”. Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh khẳng định: “Nhà nước đã thừa nhận tư cách của thừa phát lại thì vi bằng của họ lập đương nhiên có giá trị pháp lý nếu đáp ứng về mặt nội dung, hình thức theo quy định”.
Thực tế sẽ xảy ra những trường hợp người phải thi hành án cư trú ở tỉnh, lấy gì bảo đảm cơ quan chức năng ở tỉnh sẽ phối hợp với thừa phát lại của TP.HCM? Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Trần Văn Bảy nói: “Thí điểm tại TP.HCM nhưng Nghị định 61 ngày 24-7-2009 của Chính phủ (về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thí điểm tại TP.HCM) có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc. Do đó, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với thừa phát lại khi có yêu cầu”.
Ông Trần Dũng, Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), khẳng định: “Tuy là lực lượng tư nhân nhưng thừa phát lại thực hiện chức năng công quyền theo chủ trương xã hội hóa của nhà nước. Như trong việc phong tỏa tài khoản, thay vì chấp hành viên của cơ quan thi hành án ra quyết định phong tỏa thì thừa phát lại cũng được quyền ra quyết định. Do vậy, ngân hàng sẽ sẵn sàng phối hợp với các tổ chức thừa phát lại, kể cả khi chưa có văn bản hướng dẫn. Ngân hàng đối với cơ quan thi hành án như thế nào thì đối với thừa phát lại như thế đó, không có sự phân biệt”.
Riêng ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, băn khoăn: “Đồng ý là UBND quận, huyện phải phối hợp với thừa phát lại nhưng cụ thể thế nào thì chưa có cơ chế. Các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn”.
“Tất nhiên là đề án đang ở giai đoạn thí điểm nên có nhiều vấn đề không thể lường trước được. Nhưng thực tiễn phát sinh thế nào thì Bộ Tư pháp sẽ kịp thời ra hướng dẫn” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nói. Phát biểu hôm khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM trong tháng 10-2009, Thứ trưởng Chính tin tưởng vào sự thành công của mô hình thừa phát lại: “Các anh chị phải thấy được niềm tự hào của những người đi đầu khai phá. Mong rằng sau thời kỳ thí điểm, mô hình này được nhân rộng lên”.
Ai được làm thừa phát lại?
Hơn 50 học viên đang tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP.HCM. Họ được sàng lọc từ hơn 90 hồ sơ. Sau khi khóa học kết thúc, giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM sẽ đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm chức danh thừa phát lại cho những người đủ tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn của thừa phát lại: Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt; có bằng cử nhân luật; đã công tác trong ngành pháp luật trên năm năm; có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề thừa phát lại; không kiêm nhiệm ngành nghề khác.
(Trích Nghị định 61 ngày 24-7-2009 của Chính phủ)